Python được xếp vào nhóm các ngôn ngữ lập trình bậc cao, vì vậy trong quá trình học lập trình với ngôn ngữ Python cần phải tuân theo các quy tắc hay các cú pháp của tác giả tạo ra Python. Nắm được các cú pháp lập trình Python căn bản để dễ dàng tiếp cận hơn những khái niệm từ căn bản đến nâng cao trong quá trình làm việc với Python.

1. Bảng từ khóa có sẵn trong Python

Python có một tập hợp các từ khóa (keyword Python) là các từ khóa được tạo ra mặc định. Chúng được sử dụng để dành riêng và đương nhiên chúng không thể được sử dụng làm tên biến, tên hàm hoặc bất kỳ số nhận dạng nào khác:

Từ Khóa Mô Tả
and Toán tử logic ” và “
as Tạo một bí danh
assert Sử dụng trong debugging
break Để thoát ra khỏi vòng lặp hoặc hàm
class Định nghĩa một lớp
continue Để tiếp tục lặp lại tiếp theo của một vòng lặp
def Định nghĩa hàm
del Xóa một đối tượng nào đó
elif Được sử dụng trong các câu lệnh điều kiện, giống như if khác
else Là điều kiện ngược lại của điều kiện ban đầu
except Được sử dụng với các ngoại lệ, phải làm gì khi một ngoại lệ xảy ra
False Giá trị boolean, kết quả của các phép toán so sánh. Đại diện cho sai
finally Được sử dụng với các ngoại lệ, một khối mã sẽ được thực thi bất kể có ngoại lệ hay không
for Khởi tạo vòng lặp
from Nhập cụ thể một hàm (một lớp) cụ thể trong một thư viện
global Định nghĩa một biến phạm vi toàn cục
if Khởi tạo điều kiện
import Sử dụng để nhập vào một thư viện vào chương trình
in Kiểm tra xem một giá trị có trong danh sách, bộ tuple, v.v.
is Kiểm tra xem hai biến có bằng nhau không
lambda Khởi tạo hàm ẩn danh
None Đại diện cho một giá trị null
nonlocal Khai báo một biến không cục bộ
not Toán tử logic “phủ định”
or Toán tử logic “hoặc”
pass Báo hiệu một hàm (hoặc một class) rỗng
raise Để nêu ra một ngoại lệ
return Sử dụng để kết thúc hàm hoặc trả về giá trị cho hàm
True Giá trị boolean, kết quả của các phép toán so sánh. Đại diện cho đúng
try Sử dụng để thử một đoạn lệnh
while Tạo một vòng lặp while
with Được sử dụng để đơn giản hóa việc xử lý ngoại lệ
yield Để kết thúc một hàm, trả về một trình tạo

2. Cú pháp thụt lề trong Python

Python không sử dụng các dấu ngoặc nhọn “{ }” để khai báo một vòng lặp, một hàm hay một class. Tuy nhiên để phân biệt các đoạn mã nào thuộc trong một vòng lặp, một hàm hay một class thì Python sẽ sử dụng cú pháp thụt lề. Trong Python việc thụt lề vào trong được tính bằng 4 lần ấn phím phím space trên bàn phím hoặc có thể sử dụng 1 lần ấn tab.Ví dụ đoạn code dưới đây khai báo một vòng lặp for trong Python. Trong vòng lặp For này sẽ có đoạn mã print(“Hello World”) bằng cách sử dụng cú pháp thụt lề như sau:

for i in range(0, 5): 
    print("Hello World", format(i))

Kết quả:

Hello World 0
Hello World 1
Hello World 2
Hello World 3
Hello World 4

3. Chú thích trong Python

Python cũng giống như các ngôn ngữ khác, ngôn ngữ này cũng có thể sử dụng các đoạn text để làm chú thích. Việc sử dụng chú thích của Python có thể được sử dụng để giải thích mã Python, chúng cũng có thể sử dụng để làm cho mã dễ đọc hơn hay đơn giản sử dụng chú thích để ngăn chặn việc chương trình thực thi một đoạn mã nào đó. Trong Python có hai loại chú thích đó là: Chú thích 1 dòng và chú thích nhiều dòng.

Chú thích 1 dòng trong Python được sử dụng bằng cú pháp #. Ví dụ chú thích một dòng dưới đây sử dụng để giải thích đoạn mã Python nằm bên dưới:

#cau lenh chao the gioi voi python
print("Hello World")

Kết quả:

Hello World

Ví dụ chú thích một dòng được sử dụng để ngăn chặn chương trình Python thực thi một đoạn mã như sau:

#print("Hello World")
print("Laptrinhtudau.com")

Kết quả:

Laptrinhtudau.com

Chú thích nhiều dòng được sử dụng bằng cú pháp bắt đầu “”” và kết thúc bằng “””. Ví dụ sử dụng chú thích nhiều dòng để giải thích đoạn mã Python nằm bên dưới:

"""
cau lenh
chao the gioi
voi python
"""
print("Hello World")

Kết quả:

Hello World

Ví dụ chú thích nhiều dòng được sử dụng để ngăn chặn chương trình Python thực thi một đoạn mã như sau:

""" 
print("Hello World")
""" 
print("Laptrinhtudau.com")

Kết quả:

Laptrinhtudau.com