1. Khái niệm biến trong lập trình Python

Trong ngôn ngữ lập trình Python, biến được định nghĩa là một tên đặt cho một vị trí trong bộ nhớ. Mỗi chương trình Python sẽ có rất nhiều biến được khởi tạo bởi lẽ biến chính là đơn vị lưu trữ cơ bản trong một chương trình Python.

Một biến được khởi tạo tại thời điểm lần đầu tiên khi chúng ta gán một giá trị cho nó. Biến trong ngôn ngữ lập trình Python có những đặc tính sau:

  • Các giá trị được lưu trữ trong một biến hoàn toàn thể được thay đổi trong quá trình thực thi chương trình.
  • Một biến chỉ là tên được đặt cho một vị trí bộ nhớ, tất cả các hoạt động được thực hiện trên biến sẽ ảnh hưởng đến vị trí bộ nhớ đó.

Cú pháp khai báo biến trong Python như sau:

variables = value

Trong đó:

  • variables là tên biến cần đặt. Tên biến phải tuân theo một số quy tắc nhất định (sẽ được nêu ở phần sau)
  • value là giá trị được gán cho tên biến.

2. Các quy tắc tạo biến trong Python

Để tạo ra một biến hợp lệ trong Python, cần phải tuân theo những quy tắc sau đây:

  • Tên biến được bắt đầu bằng một chữ cái hoặc ký tự gạch dưới.
  • Tên biến không thể bắt đầu bằng số.
  • Tên biến chỉ có thể chứa các ký tự chữ-số và dấu gạch dưới (Az, 0-9 và _).
  • Tên biến có phân biệt chữ hoa chữ thường.
  • Các từ khóa có sẵn trong Python không thể được sử dụng để đặt tên cho biến.

Ví dụ dưới đây, khai báo 3 biến: ten, tuoi, luong một cách hợp lệ trong Python:

#Khai bao bien ten
ten = "Chu Minh Nam"

#Khai bao bien tuoi
tuoi = 20

#Khai bao bien luong
luong = 30.555

#Hien thi gia tri cua cac bien
print(ten)
print(tuoi)
print(luong)

Kết quả:

Chu Minh Nam
20
30.555

Khi một biến được khởi tạo trước, để sửa lại giá trị của biến đã được khởi tạo đó ta chỉ cần gán lại giá trị cho tên biến cần thay đổi giá trị. Ví dụ thay đổi lại giá trị của biến: ten sau khi đã được khởi tạo như sau:

#Khai bao bien ten
ten = "Chu Minh Nam"

#Khai bao bien tuoi
tuoi = 20

#Khai bao bien luong
luong = 30.555

#Thay doi gia tri bien ten
ten = "Nguyen Chi Thanh"

#Hien thi gia tri cua cac bien
print(ten)
print(tuoi)
print(luong)

Kết quả:

Nguyen Chi Thanh
20
30.555

3. Hiển thị biến trong Python

Để hiện thị một (hay nhiều) biến trong Python, câu lệnh print() thường được sử dụng để hiển thị các biến. Để kết hợp hiển thị ra màn hình kèm theo chuỗi ký tự và các giá trị khác trong Python thì cần sử dụng toán tử “+

Ví dụ khai báo biến: year và hiển thị biến này theo toán tử như sau:

#Khai bao bien year
year = 2022

#Hien thi bien year 
print("Chuc mung nam moi " + year)

Kết quả:

Chuc mung nam moi 2022

4. Gán một giá trị cho nhiều biến Python

Python cho phép gán một giá trị cho nhiều biến khác nhau thông qua toán tử “=” (toán tử bằng). Ví dụ dưới đây sẽ gán 3 biến: x, y, z đồng thời có chung giá trị bằng 10 như sau:

#Khai bao 3 bien a,b,c va gan gia tri bang 10
x = y = z = 10

#Hien thi gia tri bien: x, y, z  
print(x)
print(y)
print(z)

Kết quả:

10
10
10

5. Biến toàn cục trong Python

Các biến được tạo bên ngoài một hàm hay bên ngoài một class (như trong tất cả các ví dụ ở các phần trên) được xem là biến toàn cục. Các biến toàn cục có thể được sử dụng trong tất cả phạm vi, cả bên trong hàm và bên ngoài.

Ví dụ khởi tạo biến toàn cục bên ngoài một hàm và sử dụng nó bên trong một hàm như sau:

#Khai bao bien toan cuc ben ngoai ham
name = "Chu Minh Nam"

#Khoi tao ham Hello
def Hello():
    #Su dung bien toan cuc trong ham
    print("Xin chao " + name)

#Goi ham de kiem tra ket qua
Hello()

Kết quả:

Xin chao Chu Minh Nam

Để thay đổi giá trị của một biến toàn cục bên trong một hàm, ta cần sử dụng từ khóa có sẵn global và gán giá trị cần thay đổi cho tên biến như sau:

#Khai bao bien toan cuc ben ngoai ham
name = "Chu Minh Nam"
#Khoi tao ham Hello
def Hello():
    #Thay doi gia tri cho bien toan cuc
    global name 
    name = "Nguyen Chi Thanh"
    
#Goi ham de kiem tra ket qua
Hello()

#Hien thi lai bien name sau khi thay doi gia tri
print("Bien name co gia tri la: " + name)

Kết quả:

Bien name co gia tri la: Nguyen Chi Thanh

Lưu ý: Hàm số trong phần này chỉ được nêu ra theo hình thức giới thiệu, trong những bài sau chúng ta sẽ đi tìm hiểu rõ hơn về các khái niệm hàm trong Python!