1. Các đối tượng sử dụng CSDL
Như ở bài trước mình cũng có nói sơ lược về một số người sử dụng CSDL. Phần này mình sẽ giới thiệu cụ thể về những đối tượng này.
Người dùng cuối: Đây là đối tượng cuối cùng sử dụng hệ thống CSDL, đối tượng này không có kiến thức về quản trị hệ thống, nghĩa là không chuyên về lĩnh vực này nên họ cần một công cụ giúp quản trị, khai thác dữ liệu khi cần. Thông thường khi làm dự án thì khách hàng chính là đối tượng người dùng cuối.
Chuyên viên tin học: Chuyên xây dựng các công cụ, ứng dụng nhằm giúp người dùng cuối sử dụng khai thác cơ sở dữ liệu, đối tượng này ta gọi là Application User. Nếu bạn muốn sau này bạn sẽ là một coder chuyên xây dựng các ứng dụng website thì bạn chính là chuyên viên tin học.
Quản trị CSDL: Đối tượng này cần có kiến thức chuyên sâu về hệ quản trị cơ sở dữ liệu, biết ngôn ngữ cấu trúc truy vấn (T-SQL) ở mức rành rỏi. Công việc của đối tượng này là tổ chức hệ thống CSDL, bảo mật, phân quyền hay cấp quyền cho các đối tượng khác, backup phục hồi dữ liệu và bảo đảm an toàn dữ liệu. Nếu bạn muốn trở thành đối tượng này thì bạn phải nghiên cứu sâu các mô hình CSDL, các hệ quản trị CSDL và cần có kinh nghiệm thực tế rất cao.
2. Database trong CSDL
Database (cơ sở dữ liệu) là nơi làm nhiệm vụ lưu trữ thông tin dữ liệu có liên quan đến nhau. Database được duy trì dưới dạng một tập hợp các tập tin trong hệ điều hành hay được lưu trữ trong các hệ quản trị cơ sở dữ liệu. Các thông tin sẽ được sắp xếp và được chia theo khu vực. Trong Database sẽ có các bảng, mỗi bảng sẽ lưu trữ một dữ liệu tùy vào mục đích của lập trình viên.
3. Client – Server và Open source
Khi một máy tính được cài đặt phần mềm RDBMS (viết tắt của Relational Database Management System, hay Hệ Quản trị Cơ sở dữ liệu Quan hệ) thì máy đó được gọi là client (máy khách). Những thông tin khi cần sẽ được gửi yêu cầu tới server (máy chủ). Sever sẽ phản hồi lại Client.
Open source là khái niệm chỉ mã nguồn mở. Bạn có thể chỉnh sửa theo ý của bạn thân khi cài đặt một phần mềm nào đó. Hiện nay có nhiều ngôn ngữ lập trình mã nguồn mở phổ biến như PHP hoặc CMS WordPress.
4. Một số thông số trên SQL
Để có thể kết nối được PHP với MySql thì các bạn cần phải biết được các thông số trên SQL như:
- hostname: Server của MySql (mặc định là localhost)
- username: là tên truy cập vào MySql (mặc định là root).
- password: Là mật khẩu truy cập vào MySql (mặc định là rỗng).
- databasename: Là tên database mà các bạn muốn kết nối.
Đồng thời bên phía PHP thì các bạn cũng cần cài đặt các gói hỗ trợ kết nối PHP với MySql (mặc định thì PHP cũng đã tích hợp sẵn).
5. Các ngôn ngữ giao tiếp với CSDL
Với dân lập trình sẽ dễ hiểu ngôn ngữ lập trình dựa vào những mã lệnh để giao tiếp với máy, hệ quản trị CSDL cũng vậy, ta sẽ sử dụng những mã lệnh (cú pháp) mà nó có thể biên dịch được để giao tiếp xử lý các vấn đề liên quan đến quản lý cơ sở dữ liệu. Dưới đây mình sẽ nói cụ thể các ngôn ngữ đó:
- Ngôn ngữ mô tả dữ liệu (DDL – Data Definition Language): Cho phép khai báo cấu trúc CSDL, các mối liên hệ dữ liệu, cấu trúc ràng buộc dữ liệu.
- Ngôn ngữ thao tác dữ liệu (DML – Data Manipulation Language): cho phép thực hiện thao tác thêm, xóa, sửa dữ liệu.
- Ngôn ngữ truy vấn có cấu trúc (SQL – Structured Query Language): cho phép người khai thác sử dụng để truy vấn thông tin cần thiết.
- Ngôn ngữ quản lý dữ liệu (DCL – Data Control Language) cho phép thay đổi cấu trúc bảng, khai báo bảo mật, cấp quyền cho người sử dụng.
6. Truy vấn CSDL
Truy vấn ở đây chính là một câu hỏi hay một yêu cầu nào đó. Chúng ta có thể truy vấn CSDL để biết thông tin cụ thể và trả về một tập bản ghi.
Ví dụ: câu lệnh truy vấn CSDL
SELECT LastName FROM Employees
Truy vấn ở trên chọn tất cả dữ liệu trong cột “LastName” từ bảng “Employees”.