1. Hiểu sơ lược về cú pháp trong JavaScript

Cú pháp trong Js là tập hợp các quy tắc xác định trong chương trình Js để nó có cấu trúc một cách chính xác nhất và có thể hoạt động được. Theo cách hiểu thông thường thì một chương trình máy tính là một tập hợp các danh sách có thể gọi là hướng dẫn để máy tính thực thi. Còn Js cũng tương tự nhưng chỉ khác rằng là các tập lệnh này sẽ do trình duyệt thực hiện thay vì máy tính.

Cú pháp cơ bản của ngôn ngữ Js, bao gồm các cách khai báo biến, các loại dữ liệu và cách viết mã lệnh… Nó cùng phần lớn giống với các ngôn ngữ khác ngữ Java, PHP, Python,…

Ví dụ: một ví dụ nho nhỏ để mở đầu bài học nhé:

//Cách khai báo các biến:
var x;
let y;
// Cách sử dụng các biến:
x = 5;
y = 6;
let z = x + y;

2. Giá trị trong JavaScript – JavaScript values

Cú pháp ở trong Js thì được xác định làm 2 loại giá trị là:

  • Giá trị cố định – được gọi là Literal
  • Giá trị biến đổi – được gọi là Biến

2.1. Giá trị cố định trong JavaScript – JavaScript Literals

Như cái tên ta cũng có thể hiểu giá trị cố định là như thế nào rồi. Quy tắc quan trọng nhất để ta viết các giá trị cố định là:

  • Các số được viết có hoặc không có số thập phân. Ở đây hiểu ra chính là số nguyên hay số thập phân.
  • Chuỗi được viết trong dấu nháy đơn hoặc nháy kép. Chuỗi ở đây thường là văn bản. Ví dụ: lập trình từ đầu!

2.2. Giá trị biến trong JavaScript

Tương tự như một số ngôn ngữ khác thì các biến trong Js cũng được sử dụng để lưu trữ các giá trị dữ liệu. Một biến thì sẽ được khai báo trước khi sử dụng. Trong Js thì ta sử dụng các từ khóa var, let, const để khai báo biến. Dấu bằng sẽ được sử dụng để gán giá trị cho biến.

Ta sẽ hiểu rõ hơn về 3 từ khóa này:

  • Var: biến được khai báo với từ khóa var sẽ được truy cập ở bất kỳ đâu trong chương trình.
  • Let: từ khóa này giúp biến chỉ có thể truy xuất bên trong phạm vi block quanh nó( block ở đây được định nghĩa bằng dấu {} ).
  • Const: được dùng để khai báo hằng số, giá trị của nó sẽ không thay đổi trong suốt chương trình.

Về biến thì còn có khá là nhiều kiến thức nhưng mình sẽ chỉ giới thiệu sơ qua vậy thôi vì mình đã đưa ra một số ví dụ về việc sử dụng biến rồi. Còn việc tìm hiểu cụ thể về biến thì mình sẽ đưa ra ở bài sau nhé!

Ví dụ:

<!DOCTYPE html>
<html>
<body>
<h2>JavaScript Variables</h2>
<p> Trong ví dụ này, x được định nghĩa là một biến.
Khi đó, x được gán giá trị là 6 
</p>
<p id="demo"></p>
<script>
var x;
x = 6;
document.getElementById("demo").innerHTML = x;
</script>
</body>
</html>

3. Cách chú thích trong Javascript

Có nhiều lúc ta không muốn một câu lệnh nào đó được thực thi nhưng lại muốn giữ lại nó ở trong code của mình. Từ đó cách viết chú thích hay còn được gọi là comment được sử dụng. Trong các ngôn ngữ thì comment là một phần không thể thiếu. Comment không chỉ giúp cho người đọc mã nguồn nhanh chóng hiểu được ý nghĩa của hàm, biến đó làm gì mà còn giúp bạn xuất ra tài liệu hướng dẫn, mô tả về code. Nó sẽ không chỉ giúp bạn hiểu code của bạn khi bạn làm việc với chúng trong một khoảng thời gian mà còn giúp các lập trình viên khác có thể hiểu bạn đang viết gì để phối hợp, sửa chữa, tiếp nhận.

Ta có 2 cách để có thể viết chú thích trong Js:

  • Comment một dòng(Single Line Comments): sẽ được viết sau dấu gạch chéo kép //
  • Comment nhiều dòng(Multi-line Comments): sẽ được nằm giữa dấu /* */

Ví dụ:

// Khai báo biến x và cung cấp giá trị cho nó là 5
var x = 5;      
// Khai báo biến y và cung cấp giá trị cho nó là x+ 2
var y = x + 2; 
/* Đây là ví dụ về comment trên nhiều dòng trong JavaScript
  code  */

Một vài lời khuyên nhỏ của mình khi các bạn sử dụng chú thích nhé:

  • Nên Comment để giải thích “Tại sao” lại viết code đó thay vì đoạn code làm như thế nào. Vì người đọc code là đủ hiểu code làm như nào thế nào rồi.
  • Không comment những đoạn code mà đọc code đó đã quá rõ ràng rồi.
  • Không comment để lấp liếm vấn đề của đoạn code. Tức là người code sau cần phải đọc comment sử dụng đúng đoạn code nếu không sẽ bị lỗi. Thay vì đó, bạn nên viết code lại cho chặt chẽ hơn.
  • Xóa ngay comment khi đoạn code đi kèm đã bị xóa để tránh dư thừa comment.

4. Phân biệt chữ hoa chữ thường trong JavaScript

Trong Js sẽ phân biệt chữ hoa chữ thường. Điều này có nghĩa là các biến, từ khóa ngôn ngữ, tên hàm và các mã định danh khác phải luôn được nhập với chữ viết nhất quán.

Ví dụ: các biến Lttd và LTTD là 2 biến hoàn toàn khác nhau

let Lttd, LTTD;
Lttd = "học lập trình từ con số 0";
LTTD = "vẫn là học lập trình từ con số 0";

5. Cách đặt tên trong JavaScript

Cách đặt tên ở đây hay còn gọi là cách viết định danh. Nó thường được sử dụng để đặt tên các biến, từ khóa, hàm hay nhãn dán,… Việc đặt tên là rất quan trọng và cần phải tuân thủ các quy tắc và quy ước. Các quy tắc trong việc đặt tên của các ngôn ngữ lập trình thường khá giống nhau.

Một số quy tắc đặt tên;

  • Tên phải bắt đầu bằng ký tự chữ cái (từ a-z hoặc A-Z), ký tự gạch dưới (_), hoặc dấu đô-la ($). Không được bắt đầu tên bằng một ký tự nào khác.
  • Tên chỉ có thể chứa chữ cái (viết hoa và viết thường), chữ số, dấu gạch dưới và dấu đô-la. Không được phép sử dụng các ký tự đặc biệt (chẳng hạn như dấu # hoặc ! hoặc ?…) trong tên.
  • JavaScript phân biệt chữ hoa và chữ thường. Có nghĩa là một biến có tên là myName sẽ khác với một biến có tên là myname.

Ví dụ:

var person; // Đúng
var _person; // Đúng
var __person; // Đúng
var person1; // Đúng
var 10persion; // Sai